Thói quen ngầm phá hủy hôn nhân của bạn
Sau khi kết hôn, với nhiều đôi, việc duy trì tình yêu và hạnh phúc tưởng dễ mà thật khó khăn. Nhiều người nghĩ vợ chồng chỉ cần sống với nhau chân thành là đủ, nhưng ngược lại, có những thứ không phá vỡ hôn nhân nhưng nó có thể là tác nhân tăng mâu thuẫn nếu bạn không để ý.
Kể quá nhiều chuyện riêng tư với người khác
Việc chia sẻ những kinh nghiệm hôn nhân với bạn bè không phải là xấu, nhưng bạn không nên kể hết tất cả những bí mật riêng tư giữa vợ chồng mình với người ngoài, điều này sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc hôn nhân của bạn rất nhiều. Nếu ai đó có ý định phá hoại hôn nhân của bạn, họ càng có điều kiện để thực hiện. Bên cạnh đó, khi chàng biết bạn đem hết chuyện cá nhân của chàng để chia sẻ với người ngoài, anh ấy sẽ không còn thoải mái để tâm sự mọi điều với bạn nữa.
Từ chối lắng nghe
Mọi người đều có cách nhìn nhận thế giới riêng, bạn không thể bắt người khác phải nhìn nhận vấn đề giống mình. Thay vào đó, bạn nên thay đổi góc độ để có cái nhìn toàn cảnh hơn, thấu đáo hơn. Học cách chấp nhận sự khác biệt và lắng nghe ý kiến của người khác giúp cho mối quan hệ của bạn trở nên mạnh mẽ và lâu dài hơn.
Coi trọng các phương tiện truyền thông xã hội hơn giao tiếp thực sự
Điều này có thể là một vấn đề lớn, đặc biệt là với các cặp vợ chồng trẻ. Khi thấy cần phải thảo luận một vấn đề gì đó, bạn nhắn tin hoặc chat thay vì nói chuyện trực tiếp. Nói chuyện trên Facebook không thể giống giao tiếp thực sự. Đăng nhập Facebook, Pinterest, hoặc Twitter khi bạn ở bên cạnh người bạn đời của mình thực sự là một lựa chọn tồi.
Ít nói chuyện trực tiếp với nhau
Có rất nhiều gia đình dựa vào thiết bị công nghệ số mà quên đi điều cơ bản rằng việc duy trì nói chuyện trao đổi mỗi ngày vô cùng quan trọng, giúp cả hai thêm gần gũi. Hiện nay nhiều người cứ có bất cứ việc gì là nhấc điện thoại lên gọi sẵn, thậm chí trong bữa ăn cả gia đình ai cũng chăm chú vào màn hình TV hoặc ăn uống xong thì bố xem TV, mẹ ôm máy tính, các con nghịch điện thoại, máy tính bảng. Lạm dụng công nghệ số khiến chúng ta khó có cơ hội hiểu nhau hay bày tỏ những cử chỉ quan tâm chăm sóc trực tiếp.
Nói dối
Không cần phân tích quá nhiều về sự tai hại của thói quen này. Dù ngay cả là những lời nói dối vô hại, đừng đẩy nửa khi ra xa khi bắt đầu nói dối anh/ cô ấy một điều gì đó. Những lời nói dối nhỏ sẽ cho chính bản thân bạn thói quen, bạn sẽ bắt đầu nói dối những vấn đề nghiêm trọng hơn. Một mối quan hệ không có sự thấu hiểu và chân thành thì không thể tồn tại lâu dài.
Mở miệng ra là nói về tiền bạc
Tiền là quan trọng. Nhiều cặp vợ chồng không nói gì về tiền bạc, đến khi vấn đề được phát hiện thì đã quá muộn. Ngược lại, lúc nào cũng nói đến tiền thì cũng chẳng hay. Nếu người bạn đời nghĩ rằng bạn đang nói về tiền bạc quá nhiều thì bạn cần phải chú ý. Phải chăng bạn đang bị ám ảnh về tài chính gia đình? Kế hoạch tài chính là rất quan trọng cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc, nhưng cứ nói dai dẳng về tài chính không phải là cách để đi đến hạnh phúc.
Để gia đình 2 bên can thiệp nhiều
Điều này có thể là một vấn đề lớn. Bạn và người bạn đời mới là gia đình chính của bạn lúc này. Bạn cần phải thảo luận với bố mẹ hai bên và thiết lập một giới hạn nhất định giữa đại gia đình hai bên với gia đình nhỏ của bạn.
Nếu gia đình hai bên có những thói quen, lối sống và truyền thống khác nhau, bạn cần phải thương lượng với nhau trước, sau đó đưa ra một phong cách thống nhất cho gia đình của bạn. Việc gần gũi với bố mẹ và anh chị em của người bạn đời là rất quan trọng nhưng không cần phải hy sinh cuộc hôn nhân của bạn
Ít quan tâm đến nhau
Sau kết hôn, từ chuyện đối nội, đối ngoại đến công việc rồi con cái đã chiếm gần hết thời gian của hai vợ chồng, vì vậy mỗi người thường có xu hướng ít dần sự quan tâm đến người kia. Thói quen này lâu dần sẽ làm cho cả hai trở nên bị động và cuộc hôn nhân sẽ tẻ nhạt. Nhiều người nghĩ rằng kết hôn rồi sẽ không còn giống như hồi mới yêu nữa, nhưng học cách “tán tỉnh” nhau hoặc đôi khi tạo những điều bất ngờ, lãng mạn là cách làm mới tình cảm dễ dàng và giúp cho cuộc hôn nhân bền vững hơn.
Không có nhận xét nào: